Một vị quan có tâm Nguyễn_Tư_Giản

Trích nhận xét của:

  • Hàn Thụy Vũ:
Là một người học rộng, tài cao, một đại thần nòng cốt của triều Nguyễn, khi chế độ quân chủ Việt Nam sang đời Thiệu Trị bắt đầu suy thoái, ông luôn trăn trở trước những vấn đề trọng đại của đất nước đặt ra cho thế hệ mình...Là một trí thức lớn, ông không khuôn suy nghĩ của mình vào những chuyện thường tình, mà dành tâm trí cho những vấn đề quốc kế dân sinh. Trong bài ứng chế viết cho Tự Đức năm 1853, ông nêu lên sáu cái tệ lớn của quan lại đương chức, mà nhức nhối hơn cả là nạn tham nhũng và hiện tượng quan viên ngồi chơi...Ấy là cái nạn "nhũng viên", tức là kẻ nhàn tản quá nhiều trong cơ quan chính quyền.Trải qua hơn 40 năm làm quan trong triều, những điều ông nghĩ, những việc ông làm xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân nhất mực, giữ tấm lòng trung trinh trong sáng cho đến khi dưỡng già không một tấc đất, một ngôi nhà ngay ở quê hương mình. Ghi nhận công đức của ông, thủ đô Hà Nội đã quyết định lấy tên ông đặt cho một đường phố.[13]
  • Trần Bá Chí:
Nguyễn Tư Giản là nhân vật lịch sử hoạt động vào cuối thế kỷ 19. Cuộc đời trải qua bao nhiêu gian truân thử thách, mấy lần bị cách bị giáng mà chí không nản. Lòng yêu nước thương dân của ông bộc lộ rõ trong những bản điều trần, trong lời sớ thiết tha mong vua đừng nghị hòa với quân Pháp. Đó là những những nét đẹp về tấm lòng, về nhân cách, về bản lĩnh của ông...[10]
  • Nguyễn Vĩnh Phúc:
Yêu nước, yêu dân nhưng Nguyễn Tư Giản chưa có cái dũng khí cầm gươm ra trận như Phạm Văn Nghị, Nguyễn Hữu Huân, cũng chưa có cái can đảm dứt khoát khước từ sự lôi kéo của nhà Nguyễn. Nhưng dù sao, Nguyễn Tư Giản cũng đã sớm rút khỏi chốn quan trường để trở về sống một cuộc sống trong sạch tuy nghèo nàn. Thân làm đến Tổng đốc Thượng thư, mà ở quê hương không có nổi một dinh cơ. Ngôi nhà thờ năm gian là do năm anh em ông chung sức mới dựng lên được, để lấy làm nơi thờ bố mẹ. Ở gian chính ông đã viết bức hoành bốn chữ "Thanh bạch nho phong", để nói lên nếp sống của họ mình. [14]